Các dự án Web3 ở Việt Nam đang thu hút hàng loạt quỹ đầu tư, công ty blockchain quốc tế đổ về khiến thị trường thêm sôi động.
Web3 hay Web 3.0 đang trở thành tâm điểm của cộng đồng blockchain Việt. Theo ông Lew Trần, CTO của KardiaChain, thuật ngữ Web3 mô tả Internet của tương lai, nơi người dùng trải nghiệm việc kết nối dữ liệu phi tập trung một cách nhanh hơn và cá nhân hóa hơn, không còn bị chi phối bởi các gã khổng lồ công nghệ như Amazon, Facebook, Google... Các trào lưu ứng dụng blockchain như GameFi, metaverse, NFT cũng được xem là một phần của Web3. Trong khi các xu hướng này chủ yếu hướng đến yếu tố giải trí, các công ty xây dựng Web3 cố gắng kết nối giá trị của tất cả các ứng dụng đó nhằm đem đến trải nhiệm hoàn toàn mới. Đích đến cuối cùng là "đưa dữ liệu của người dùng về dưới quyền sở hữu của chính họ".
Thuật ngữ Web3 bắt đầu được chú ý đến từ cuối năm ngoái sau khi tỷ phú Elon Musk và nhà sáng lập Twitter Jack Dorsey tranh cãi về tiềm năng của công nghệ này. Tại Việt Nam gần đây, nhiều startup cũng đã bắt tay vào xây dựng dự án Web3 thay vì chỉ thảo luận như trước. Một trong những startup Web3 nổi bật là Ancient8 đã hoàn thành hai vòng gọi vốn với tổng đầu tư 10 triệu USD. Ngoài ra còn có một số gương mặt nổi bật khác như Orochi Network (cơ sở hạ tầng), Spinel Labs (cơ sở hạ tầng DAO)...
Xu hướng Web3 ở Việt Nam
Chỉ trong một thời gian ngắn, các startup về Web3 Việt Nam đã thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư quốc tế. Đầu tháng 9, cuộc thi BNB Chain Web3 Accelerator Việt Nam do Binance tổ chức đã quy tụ 150 dự án trong nước tham gia. Đến giữa tháng, NEAR (Thụy Sĩ) cũng thành lập trung tâm Web3 tại Việt Nam. Mới đây trong sự kiện ngày 18/10, đại diện dự án Polkadot cũng nhấn mạnh Việt Nam đang là một trong những điểm nóng về phát triển Web3 trên toàn cầu. Do đó, hệ sinh thái blockchain này quyết định đầu tư vào Việt Nam để xây dựng nguồn nhân lực cho Web3.
Khác biệt lớn nhất của làn sóng Web3 ở Việt Nam so với trào lưu GameFi là sự tham gia của cả các tập đoàn công nghệ lớn chứ không chỉ startup. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Blockchain Việt Nam hôm 19/10, ông Vũ Anh Tú, Giám đốc công nghệ của FPT, khẳng định: "Web3 và blockchain đã được ứng dụng vào hệ sinh thái Made by FPT để phát triển những sản phẩm, giải pháp, nền tảng có tính mở, linh hoạt, bảo mật, có tính ứng dụng cao trong mọi lĩnh vực, mang lại giá trị bền vững cho khách hàng trên toàn cầu".
Cuối tháng 10, nhà thiết kế Lê Thanh Hòa đã tổ chức sàn diễn catwalk kết hợp online and offline. Trong show diễn An trên Web3, khán giả có thể xem người mẫu ảo trình diễn các bộ sưu tập thời trang trong một không gian số sống động. Bên cạnh đó, một số nền tảng thương mại điện tử như Tiki, Fado cũng áp dụng công nghệ để mở rộng tệp khách hàng và đem đến những trải nghiệm mới cho người dùng.
"Chính sự phát triển năng động của cả nhóm startup lẫn tập đoàn công nghệ lớn đã khiến Việt Nam có thể trở thành thị trường có tốc độ phát triển và phủ sóng Web3 dẫn đầu Đông Nam Á", ông Lew Trần nhận định.
Web3 có gì đặc biệt?
Trong khi GameFi nổi lên từ đầu 2020 khi kết hợp trò chơi điện tử với tài chính phi tập trung; metaverse hướng đến một thế giới ảo cho phép người dùng sống và tương tác như đời thực, Web3 tổng hợp giá trị của các xu hướng công nghệ này để còn nhiều tiềm năng để khai thác trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp... chứ không chỉ là giải trí. Theo CTO của KardiaChain, Việt Nam sẽ có nhiều chiều hướng phát triển khác nhau với nhiều mô hình mới được thử nghiệm trong môi trường Web3. Tuy nhiên, tiềm năng nhất sẽ nằm trong ba lĩnh vực chính là mạng xã hội, thương mại điện tử và game.
Web3, hay Web 3.0, là thuật ngữ chỉ hệ thống web phi tập trung được xây dựng trên nền tảng blockchain. Đây được coi là bước tiến tiếp theo của Internet, nơi sẽ không còn các máy chủ, và người dùng được quyền kiểm soát dữ liệu, danh tính và số phận của chính họ. Dù mới ở giai đoạn sơ khai, Web3 nhận được nhiều ủng hộ từ cộng đồng.
Đa số những người ủng hộ Web3 đánh giá các nền tảng trực tuyến hiện tại mang tính tập trung quá cao và bị chi phối bởi các công ty công nghệ lớn như Apple, Amazon, Google hay Meta - công ty mẹ của Facebook. Những hãng này lưu trữ vô số dữ liệu và thông tin cá nhân trên khắp thế giới, khiến người dùng khó có thể tin tưởng.
Dù đang trong mùa đông tiền số, Web3 vẫn nhận được sự quan tâm lớn của các công ty khởi nghiệp lẫn các quỹ đầu tư lớn. Hồi tháng 6, Magic Eden, startup trong lĩnh vực Web3, trở thành tâm điểm của giới công nghệ toàn cầu khi huy động được 130 triệu USD đầu tư, nâng định giá công ty lên 1,6 tỷ USD. Trong vòng chưa đầy 9 tháng, Magic Eden đã phát triển gấp mười lần. Trong khi đó, Binance và Andreessen Horowitz (A16z) đang là những nhà đầu tư lớn nhất của lĩnh vực này với trị giá lần lượt là 500 triệu và 600 triệu USD.
Nguồn: vnexpress.net