Hỏi - đáp Nơi cung cấp thông tin nghề nghiệp và giải đáp những thắc mắc thường gặp của bạn

Những hướng đi cho dân IT: Không chỉ là lập trình viên

Hiện nay, ngành công nghệ thông tin của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ hơn bất cứ khi nào hết và cũng bởi lẽ đó lập trình viên trở thành một nghề được rất nhiều bạn trẻ theo đuổi. Chúng ta đã chứng kiến sự thăng hoa của ngành ngân hàng trong thập kỷ trước để rồi liên tiếp những ngân hàng chìm đắm trong khủng hoảng. Liệu nghề lập trình có đi theo vết xe đổ ấy? Sự bùng nổ của ngành công nghệ thông tin khiến rất nhiều học sinh đổ xô vào các trường về công nghệ. Tuy nhiên không phải ai cũng có đam mê về lập trình, thương mại điện tử, về truyền thông để rồi lại tự hỏi sau này ra trường mình sẽ làm gì, đây có phải ngành nghề phù hợp với mình? Đó là bài toán muôn thuở của các nhà hoạch định khi học sinh, sinh viên không được định hướng kỹ càng, không được thử sức với các công việc thực tế và cuối cùng là không biết cuộc đời mình sẽ đi về đâu.

Trong bài viết này  sẽ chia sẻ những công việc mà một người lập trình hoàn toàn có thể làm sau khi ra trường. Bạn học lập trình không có nghĩa là sau này sẽ phải cắm đầu vào máy tính, code những dòng dài lê thê hay làm những công việc bạn không yêu thích. Hãy chuẩn bị cho mình một chút tư duy kinh tế, một cái nhìn bao quát nhất về xã hội, tôi tin bạn sẽ tìm ra hướng đi cho mình.

Trên thực tế, có những người thực sự đam mê với nghề lập trình. Họ rất thông minh, có tư duy tốt và một nhãn quan khủng khiếp. Đó dường như là tài năng thiên bẩm mà họ có được. Tuy nhiên, chúng ta lại khác: học hành chểnh mảng, không được định hướng, làm bài và thi cử một cách đối phó. Có những sinh viên chưa qua nổi năm nhất đã chán ngấy việc học đại học. Vậy đâu là giải pháp?

Một là bạn bỏ học, theo đuổi thứ mà bạn thực sự yêu thích. Điều này tôi không khuyến khích bởi các bạn sẽ phải chịu rất nhiều áp lực từ gia đình, áp lực từ chính bản thân. Nhưng nếu bạn đã chán ngấy lắm rồi, không có động lực để tiếp tục theo đuổi thì bạn nên dừng lại. Bên cạnh đó, bạn cần có cơ sở để bỏ học, hãy tìm ra những lý do cho riêng bản thân mình (bạn sẽ thi lại, bạn sẽ theo đuổi một nghề mới, bạn đã đủ quyết tâm,…).

Hai là bạn sẽ tiếp tục theo đuổi và nỗ lực hết mình để gắn bó với nghề lập trình. Nếu quyết định như thế, bạn cần:

Chăm chỉ: Bạn sẽ không thể trở thành người này người nọ nếu bạn không chăm chỉ. Bạn cần biết học chuyên sâu một ngôn ngữ; bạn cần biết thêm một vài ngôn ngữ khác, bạn cần rèn luyện những kỹ năng cơ bản nhất khi lập trình.

Kinh nghiệm: Đây là thứ rất quan trọng khi bắt đầu đi làm. Sẽ có rất nhiều khó khăn bởi công việc thực tế chẳng giống như những gì đã được học nhưng nếu bạn đủ thông minh, bạn sẽ lĩnh hội được rất nhiều. Hãy tạo ra giá trị mà chỉ mình bạn có chẳng hạn bạn code rất nhanh mà không dính nhiều lỗi; bạn giỏi trong việc tìm ra và xử lý bug; bạn có thể làm việc với người nước ngoài;… Đó là những lý do các doanh nghiệp muốn giữ bạn lại, muốn tăng lương cho bạn.

Bạn có thể làm gì?

Trở thành lập trình viên – Developer

Là người thiết kế, xây dựng và bảo trì các chương trình máy tính, các website, các ứng dụng trên điện thoại di động. Trong bài viết  Làm thế nào để trở thành lập trình viên, Smartjob đã đề cập đến những kỹ năng, phẩm chất cần thiết nhất để bạn có thể rèn luyện và chuẩn bị hành trang cho mình một cách sớm nhất, đúng hướng nhất. Ngoài ra, như đã đề cập ở trên, kinh nghiệm là thứ quan trọng bậc nhất mà lập trình viên cần có. Bạn sẽ chẳng thể làm gì nếu không có kinh nghiệm. Kinh nghiệm tạo ra giá trị cho bạn, giúp bạn sáng tạo ra những cái mới và khiến công việc của bạn bớt  khó khăn đi rất nhiều. Đề có kinh nghiệm, hãy bắt tay vào code ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Lập trình là công việc mà càng sai ta càng nhận ra nhiều điều.

Trở thành một Tester

Công việc này có thể nói nôm na là bới bèo ra bọ, bới lông tìm vết. Sau khi lập trình viên đã code, Tester sẽ chạy thử, tìm mọi cách để mò ra những lỗi trong quá trình vận hành. Với nhiều người đây thực sự là công việc nhàm chán và nhức đầu. Nó phù hợp hơn với những bạn gái có tính tỉ mỉ, cẩn thận. Bạn cần đặt mình vào vị trí người dùng để trải nghiệm sản phẩm của nhóm và tìm ra những lỗi hay nhược điểm của sản phẩm.

Tester thường được mệnh danh là “bà già khó tính” bởi khi làm ở vị trí này bạn luôn bắt được những lỗi cơ bản, sai rồi mà cứ lặp lại khiến mình trở nên điên đầu. Đây là công việc không dành cho những người dễ bị stress – Cáu xong rồi thôi chứ không nên để sự nóng giận của mình làm ảnh hưởng đến cả nhóm. Tỉ mỉ, bình tĩnh và nóng nảy đúng lúc là những phẩm chất cần thiết nhất cho công việc này.

Thiết kế web, thiết kế đồ họa

Được gọi là Designer, có nhiệm vụ tạo ra giao diện của một website hay một ứng dụng một cách hoàn chỉnh. Công việc này cũng liên quan khá mật thiết đến lập trình, seo,… Yêu cầu là bạn phải sử dụng thành thạo các chương trình thiết kế, tạo đồ họa như Photoshop, Al, Dreamweaver, Flash,… và rất nhiều phần mềm hỗ trợ khác. Càng thành thạo bao nhiêu, càng biết nhiều chương trình bao nhiêu thì việc làm của bạn càng hiệu quả bấy nhiêu.

Thường thì những doanh nghiệp nhỏ chỉ có một designer hoặc lập trình viên sẽ kiêm luôn design nên cường độ làm việc của bạn sẽ rất dày. Bạn sẽ phải “ôm” một vài dự án một lúc. Tuy nhiên công việc này không quá nặng đầu như lập trình viên hay tester. Chỉ cần đam mê và có đầu óc thiết kế, bạn sẽ hoàn thành tốt công việc.

Chuyên viên phân tích dữ liệu

Làm việc cho các công ty phần mềm, công ty tư vấn hay công ty ứng dụng công nghệ. Việc của bạn là thu thập, xử lý và tổng hợp dữ liệu sau đó sử dụng chúng để chuẩn bị cho các chương trình nghiên cứu, marketing hay các chương trình giới thiệu sản phẩm. Muốn làm được việc này, bạn không cần phải code giỏi mà nên tìm hiểu càng nhiều phần mềm càng tốt. Bên cạnh đó, tư duy là thứ rất quan trọng và bạn nên tìm hiểu kỹ trước khi phỏng vấn vào vị trí này. Cần có cái nhìn bao quát toàn bộ dự án chứ không chỉ có mớ code trong đầu.

Thường thì công việc này dành cho người lập trình đã có kinh nghiệm 2 đến 3 năm, biết phân tích, biết “chém gió” bởi bạn sẽ phải truyền đạt cho người khác ý tưởng và cách làm của mình; đôi khi còn phải thuyết phục được cấp trên hay đối tác. Đây là hướng đi hoàn toàn có triển vọng nếu bạn muốn làm lãnh đạo các dự án.

Nhân viên kinh doanh

Thoạt nghe có vẻ không hợp lý nhưng rất nhiều lập trình viên sau khi làm một thời gian đã phát hiện ra tài năng “chém gió” của mình và chuyển hướng sang công việc này. Chúng ta thường nghĩ đây là vị trí dành cho sinh viên kinh tế, marketing tuy nhiên thực tế không phải vậy. Rất nhiều người đã làm việc đúng ngành nghề của mình một thời gian để lấy kinh nghiệm sau đó dùng kiến thức của mình để thuyết phục khách hàng, làm việc với các đối tác nhằm phục vụ mục đích kinh doanh của công ty.

Nhân viên kinh doanh ở đây có thể là kinh doanh phần mềm, truyền thông cho các dịch vụ giá trị gia tăng, kinh doanh giải pháp, giới thiệu các dự án mới,… Thường thì vị trí này sẽ thoải mái hơn về thời gian nhưng cũng sẽ bị áp doanh số. Những kiến thức về marketing, quảng cáo thực sự hữu ích nếu bạn muốn “dấn thân” vào công việc này

SEOer

SEO là từ viết tắt của Search Engine Optimization có nghĩa là tối ưu hóa công cụ tìm kiếm. Chúng ta có thể hiểu nôm na SEO là tổng hợp những phương pháp làm gia tăng lượng traffic của website với công cụ tìm kiếm chính là Google. Đây làm một nghề mới trong những năm trở lại đây và hiện đang được rất nhiều bạn trẻ theo đuổi.

Việc của bạn là sẽ phải làm sao cho các từ khóa được xuất hiện ở những vị trí top trên google, được nhiều người tìm kiếm, mang lại lượng truy cập cho website nhằm phục vụ những mục đích khác nhau (tuyển dụng, tin tức, kinh doanh,…). Những tố chất cần cho nghề SEO là kiên trì, tỉ mỉ và làm đúng phương pháp. Bạn cần được các chuyên gia hướng dẫn và tham gia một vài dự án trước khi có thể tự mình lập kế hoạch thực hiện dự án. Nếu thành thạo SEO, bạn hoàn toàn có thể tự mình kinh doanh, tự marketing cho các sản phẩm của mình.

Những công việc kể trên là những việc phổ biến nhất với dân IT ở Việt Nam hiện tại. Ngoài ra còn rất nhiều ngành nghề mới nếu bạn muốn làm việc tại các công ty liên doanh, các tập đoàn nước ngoài:

  • Kỹ sư phần mềm
  • Kỹ sư phần cứng
  • Kỹ sư blogchain
  • Kỹ sư thực tế ảo
  • Kiến trúc sư IoT
  • Kỹ sư cụm GPU
  • Chuyên gia an ninh mạng
  • …..