Hỏi - đáp Nơi cung cấp thông tin nghề nghiệp và giải đáp những thắc mắc thường gặp của bạn

Top 26 sai lầm mà các lập trình viên “non trẻ” hay mắc phải

Bài viết hôm nay sẽ nói về những sai lầm mà lập trình viên hay phạm phải khi bước những bước đầu tiên trên con đường lập trình. Để trưởng thành hơn trên con đường phát triển bản thân, phát triển sự nghiệp, bạn cần phải học hỏi không ngừng. Có một câu danh ngôn khá hay là: “Hãy học từ sai lầm của người khác. Bạn sẽ không bao giờ sống đủ lâu để phạm phải tất cả sai lầm.”

Về chuyên môn lập trình

Có thể tóm gọn các sai lầm này trong “5 chữ Không” và “4 chữ Thích“.

  • Không quan tâm đến tên hàm, tên biến: Giữ thói quen từ khi ra trường, nhiều bạn chỉ đặt tên biến kiểu x1, x2. Rất ngắn gọn nhưng đọc không hiểu gì.
  • Không quan tâm đến cấu trúc code: Code chỉ cần chạy được là xong, còn cấu trúc code rối như đống giẻ lau cũng mặc.
  • Không quan tâm đến bảo mật: Nghĩ rằng bảo mật là chuyện của bọn hạ tầng IT, chỉ lo code tính năng thôi.
  • Không quan tâm đến testing: Code chạy đúng một trường hợp chính là được, mấy case còn lại thì kệ nó, không cần phải test thử, cứ để tester làm.
  • Không quan tâm đến performance: Không sử dụng cấu trúc dữ liệu hợp lý, không tối ưu hóa code.
  • Thích code theo phong cách phức tạp hoặc thông minh nhưng…khó hiểu.
  • Thích lao vào code cả khi chưa biết rõ requirement hay business logic: Chưa xác định được vấn đề đã code tìm hướng giải quyết.
  • Thích một ngôn ngữ/công nghệ đến mức mù quáng, lúc nào cũng nghĩ nó là nhất.
  • Thích code lại từ đầu, tạo ra cái mới mà không quan tâm đến những cái đã có để tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc.

Về định hướng phát triển

  • Có thể tóm gọn các sai lầm này trong “5 chữ Không” và “4 chữ Luôn“.
  • Không bao giờ đọc sách technical hoặc tìm hiểu ngôn ngữ/công nghệ mới.
  • Không bao giờ đọc blog lập trình để học hỏi, tìm hiểu các xu thế mới.
  • Không quan tâm đến sức khỏe: Cày game, uống rượu, code thâu đêm suốt sáng.
  • Không nghiên cứu sâu, chỉ học hời hợt những thứ bề mặt để hoàn thành công việc.
  • Không quan tâm việc xây dựng quan hệ, tạo dựng hình ảnh, phát triển sự nghiệp.
  • Luôn chỉ tập trung vào project của mình làm, không quan tâm đến tình hình công ty hay các team khác.
  • Luôn trông chờ vào việc team leader/quản lý sẽ định hướng nghề nghiệp, cất nhắc mình: Quản lý có nhiều việc phải làm và nhiều nhân viên cần quản lý, rất khó để học có thời gian chăm chút định hướng cho một cá nhân.
  • Luôn thích làm việc với những người kém hơn mình để dễ cầm đầu: Muốn giỏi hơn, cần phải làm việc với những người giỏi hơn mình, bị ăn chửi hàng ngày mới khá lên được.
  • Luôn sống trong “vùng an toàn”, chỉ làm những việc mình đã giỏi/đã biết, không muốn mở rộng những kĩ năng đã có.

Về thái độ làm việc

  • Giữ thái độ cao ngạo và biết tuốt: Có thể gặp ở các bạn sinh viên trường ngon, tốt nghiệp loại giỏi.
  • Tỏ thái độ khi có người góp ý cho thiết kế/code của mình: Kĩ năng code chỉ là một phần, quan trọng phải là “thái độ”.
  • Giữ bo bo kiến thức cho mình, không chia sẻ vì sợ bọn đồng nghiệp sẽ giỏi hơn.
  • Luôn trông chờ được giao việc tận tay, chỉ làm những việc được giao cho làm: Để thăng tiến, bạn cần năng nổ, active hơn.
  • Luôn tuân thủ tuyệt đối mệnh lệnh của quản lý, người lãnh đạo mà không hỏi nguyên do: Cấp trên, senior chưa chắc lúc nào cũng đúng. Tranh luận, phản bác đúng cách sẽ làm họ coi trọng mình hơn nhưng phải nhớ để ý thái độ.
  • Khi đi hỏi người khác, không xác định được vấn đề cần hỏi mà chỉ đặt câu hỏi mơ hồ chung chung, gây khó khăn cho cả người hỏi lẫn người trả lời.
  • Chỉ chăm chăm nhờ người khác làm giúp, trả lời giúp.
  • Quá bi quan/lạc quan/chủ quan khi đánh giá thời hạn hoàn thành công việc.
  • Tự hào vì mình làm việc chăm chỉ: Nếu đồng nghiệp chỉ làm 8 tiếng/ngày mà bạn phải làm việc tới 10 tiếng/ngày, đừng tự hào là mình chăm chỉ, mà hãy tự hỏi: Do mình kém, làm chậm hay do quản lý bóc lột giao việc cho mình nhiều quá?

 

Kể cả những lập trình viên giỏi nhất cũng từng mắc phải những sai lầm như vậy. Điểm khác biệt là ở chỗ: những người giỏi nhận thấy được mình đang mắc sai lầm, từ đó phấn đấu và cải thiện bản thân hơn. Chúc các bạn may mắn trên con đường lập trình mình đã chọn!

Via toidicodedao.com